Cây hồ tiêu chữa bệnh gì ?

0
1298
cây hồ tiêu
Rate this post

Hồ tiêu
Tên khoa học là: Piper nigrum.
Thuộc họ hồ tiêu – Piperaceae.

Đặc điểm thực vật:

cây hồ tiêu

Hồ tiêu thuộc loại cây dây leo, thân dài, bám vào cây khác bằng các rễ. Lá mọc cách, lá nhìn giống lá trầu không nhưng dài, thuôn hơn. Có 2 nhánh, 1 nhánh mang quả, nhánh còn lại mang dinh dưỡng, cả 2 nhánh đều mọc từ kẽ lá.

Cụm hoa đuôi sóc, mọc đối với lá, lúc chín rụng cả chùm.
Quả mọc thành chùm, có 20 – 30 quả 1 chùm, hình cầu. Quả còn non có màu xanh, sau chuyển sang đỏ rồi lúc chín có màu vàng.

Phân bố, trồng trọt, chế biến:

Cây được trồng ở các nước nhiệt đới. Các nước trồng nhiều như Ấn Độ, Indonesia, Philipin, Campuchia, Brazil.
Ở Việt Nam, trồng nhiều ở Kiên Giang, An Giang, Quảng Trị,…
Cách trồng: giâm cành hoặc trồng bằng hạt.
Bắt đầu thu hoạch quả từ năm thứ 4, đạt hiệu suất cao nhất vào năm thứ 7, 8.

Chế biến:

Tuỳ vào việc lựa chọn hồ tiêu đen hay hồ tiêu trắng mà có cách thu hái, chế biến khác nhau.
Hồ tiêu đen: thu hái khi đa số các quả còn xanh; quả non khi phơi, do chưa có sọ nên lúc phơi sẽ giòn,dễ vỡ vụn; các quả khác khi phơi khô vỏ nhăn nheo lại, màu chuyển sang đen nên được gọi là hồ tiêu đen.
Hồ tiêu trắng hay hồ tiêu sọ:
Hái khi quả đã thật chín, đem chà xát hoặc ngâm dưới nước chảy 3 – 4 ngày để loại bỏ vỏ đen rồi đem phơi khô. Loại này có màu trắng ngà, quả ít nhăn nheo hơn, ít thơm hơn nhưng cay hơn.

Bộ phận dùng:

Hồ tiêu đen: quả xanh vẫn còn vỏ ngoài.
Hồ tiêu sọ: quả chín đã bỏ vỏ ngoài.

Thành phần hoá học:

Tinh dầu có màu vàng nhạt hay lục nhạt, có mùi thơm gồm anpha và beta – pinen, sabinen, limonen.
Alcaloid gồm piperin có vị cay, chavicin là đồng phân của của piperin.
Cubelin, chất béo, tinh bột.

Công dụng:

Dùng làm gia vị.
Tác dụng kích thích tiêu hoá, tăng tiết dịch vị, dịch tuỵ.
Nếu dùng liều cao hồ tiêu  gây kích thích niêm mạc dạ dày, gây sốt, viêm đường tiết niệu, đi tiểu ra máu.
Ngoài ra, hồ tiêu còn được dùng làm thuốc chữa đau răng, đau bụng, tiêu chảy, cảm lạnh, sát khuẩn, diệt ký sinh trùng.