Lá mơ
Tên khoa học: Folium Paederae.
Thuộc họ cà phê ( Rubiaceae ).
Đặc điểm thực vật:
Cây mơ thuộc loại cây dây leo bằng thân quấn. Các lá hình trứng, mọc đối. Mặt dưới lá có màu tím đỏ gọi là mơ tam thể.
Hoa mọc thành xim, có màu tím nhạt, quả dẹt. Cây có lông mềm và có mùi khó ngửi.
Cây mọc hoang nhiều ở bờ bụi.
Bộ phận dùng:
Lá tươi.
Thành phần hoá học:
Các Iridoid glycosid; Alkaloid; Quinon , bộ phận trên mặt đất có Embelin.
Tinh dầu: trong cây và hoa có hàm lượng tinh dầu cao. Có trên 70 cấu tử trong tinh dầu , trong đó thành phần chính lá Linalool, bên cạnh đó còn có Anpha – terpineol và Geraniol.
Steroid và Triterpen.
Trong thân lá còn chứa các Hydrocacbon mạch dài như hentriacontan, hentriacontanol và cetyl alcohol.
Đặc biệt các dẫn chất lưu huỳnh như Dimetylsulfid, Dimetyl trisulfid và Metyl mercaptan là nguyên nhân làm cho lá và thân có mùi đặc biệt.
Tác dụng:
– Lá mơ lông có tác dụng chữa tiêu chảy do ức chế vận động của hệ tràng vị.
– Dịch chiết lá mơ có tác dụng chống oxy hoá trên mô hình chống viêm ABTS và β – caroten ở mứ độ từ 50 – 80 %. Tác dụng của lá tươi tốt hơn lá khô.
Phần tan trong nước của dịch chiết cồn 50 % của lá mơ có khả năng chống viêm trên mô hình thử nghiệm tác dụng chống viêm bằng cách gây phù cấp và phù bán cấp với Carragineen, Histamin, Dextran. Khả năng chống viêm phụ thuộc vào liều dùng.
– Dịch chiết Methanol của lá mơ có tác dụng bảo vệ gan ở mức độ trung bình.
– Dịch chiết lá mơ có khả năng chống lại các các tổn thương kiểu viêm khớp, làm giảm thoái hoá sụn khớp.
– Dịch chiết trong cồn 50 % có tác dụng chống co thắt hồi tràng chuột lang, kháng lại các dòng tế bào ung thư biểu mô mũi – hầu. Có tác dụng giảm ho nhưng kém hơn Codein.
– Dịch chiết nước lá mơ có tác dụng diệt giun.
Trong dân gian, người ta sử dụng lá mơ để chữa táo bón.
Cách làm: lá mơ trộn với trứng , sau đó bọc lá chuối rồi nướng hoặc đặt trên chảo đun nóng cho đến khi có mùi thơm. Chú ý không dùng mỡ hay dầu ăn.
– Ngoài ra, lá mơ còn chữa chứng sôi bụng, đầy bụng, ăn không tiêu, thông tiểu.