Contents
Cây diếp cá
Tên khoa học là: Herba Houttuyniae.
Thuộc họ lá dấp – Saururaceae.
Đặc điểm thực vật:
Diếp cá thuộc loại cây thân thảo, có thân ngầm và rễ mọc ở các đốt. Phần thân trên mặt đất mọc đứng, có lông. Lá dấp cá hình tim, mềm nhẵn, mặt dưới lá có màu tím nhạt. Khi vò lá có mùi tanh đặc biệt giống như mùi cá, vì vậy cây có tên là diếp cá hay còn gọi là cây ngư tinh thảo.
Hoa mọc thành bông , màu vàng và có 4 lá bắc màu trắng, nhìn trông giống như 1 bông hoa.
Cây mọc ở những nơi ẩm thấp.
Bộ phận dùng:
Toàn cây dùng tươi hoặc phơi khô.
Thành phần hoá học:
Phần trên mặt đất gồm có: các flavonoid, tinh dầu, alcaloid và các dẫn xuất thơm đơn giản.
Thành phần tinh dầu gồm metylnonylceton, laurylaldehyd, caprylaldehyd, decanonyl acetaldehyd. Chính các chất này làm cho lá diếp cá có mùi đặc biệt.
Công dụng:
Diếp cá có tác dụng kháng viêm, thông tiểu, khả năng làm bền mao mạch của quercitrin đã được chứng minh.
Dân gian dùng lá diếp cá tươi để chữa đau mắt đỏ có tụ máu, mụn nhọt, hạ sốt, thanh nhiệt.
Cây râu mèo
Tên khoa học: Herba Orthosiphonis.
Thuộc họ hoa môi – Lamicaeae.
Đặc điểm thực vật:
Râu mèo thuộc loại cây thân thảo, cao 0,3 – 0,6 m, thân có cạnh và ít phân nhánh.
Lá mọc đối chéo chữ thấp, khoảng cách giữa các cặp lá hơi xa nhau. Phiến lá hình thoi, mép lá có răng cưa ở 2/3 phía trên, cuống lá ngắn.
Cụm hoa mọc ở ngọn thưa, gồm 6 đến 10 vòng, mỗi vòng có 6 hoa, đài hoa hình chuông và có năm răng. Tràng hoa có 2 môi màu trắng nhạt, nhị hoa mọc thò ra bên ngoài trông giống như râu mèo.
Thu hái:
Hái lá và ngọn cây khi mới bắt đầu ra hoa, phơi khô, tránh nơi ẩm thấp và bảo quản trong bao bì tránh ẩm.
Thành phần hoá học:
Các flavonoid, saponin, coumarin, các diterpen, các acid hữu cơ và khoáng có hàm lượng Kali cao.
Công dụng:
Râu mèo có tác dụng lợi niệu mạnh, là 1 thuốc thông mật. Ở Ấn Độ và Indonesia người ta dùng râu mèo để chữa các bệnh về thận và bàng quang.
Dạng thuốc hãm hoặc cao lỏng có tác dụng chữa các bệnh về thận đặc biệt là bệnh sỏi thận và bệnh viêm túi mật.