Cam thảo dây
Tên khoa học: Herba Abri precatorii.
Thuộc phân họ đậu ( Faboideae ), họ đậu ( Fabaceae ).
Contents
Đặc điểm thực vật:
Cam thảo dây thuộc dạng cây dây leo, thân có nhiều sợi. Lá nhỏ, dạng lá kép lông chim và có chứa nhiều đôi lá chét ( từ 8 -20 đôi lá chét). Kích thước lá khoảng 15 * 5 mm. Hoa cam thảo dây có màu hồng, hình cánh bướm.
Quả dài và dày ( dài 3 cm, rộng 12 -15 mm, dày 6- 8 mm ), bên trong có chứa các hạt hình trứng, vỏ hạt cứng, màu đỏ, bóng nhẵn và có 1 điểm đen lớn xung quanh rốn hạt.
Cây thường mọc hoang ở bờ bụi.
Bộ phận dùng:
Bộ phận trên mặt đất.
Thu hái, chế biến:
Rễ, thân, lá thu hái vào mùa thu.
Có thể dùng tươi hoặc phơi khô.
Hạt cam thảo dây có chứa Abrin rất độc nên chỉ dùng bên ngoài.
Thành phần hoá học:
Lá và dây có chứa Saponin gồm các Abrusosid A, B, C, D, E. Chính các Saponin này làm nên vị ngọt của cam thảo dây. Năm Saponin này đều có phần Aglycon là Abrusogenin, chúng chỉ khác nhau ở phần đường nối vào OH ở vị trí cacbon số 3. Ngoài ra, trong lá và dây cam thảo còn có Flavonoid như Luteolin, abrectorin, orientin, isoorientin.
Hạt chứa: L- abrine là 1 alkaloid nhưng âm tính với thuốc thử Dragendorff, cho màu tím với thuốc thử Ehrlich; Hypaphorin; Precatorin,…trong lá và rễ cũng có L- abrine nhưng hàm lượng thấp hơn.
Trong hạt cam thảo dây có 1 chất rất độc là Abrin ( có bản chất là 1 protein ).
Rễ chứa Flavonoid như Abruquinon A, B, C, D, E, G.
Tác dụng, công dụng:
Trên mô hình chống viêm thử nghiệm trên tai chuột bằng dầu Croton, người ta thấy Saponin trong cam thảo dây có tác dụng chống viêm.
Hoạt chất Abruquinon B có tác dụng chống lao, sốt rét và gây độc tế bào.
Hoạt chất Abruquinon G có tác dụng lên virus và khả năng gây độc tế bào yếu.
Trong dân gian, người dân sử dụng cam thảo dây để chữa ho, cảm sốt và đôi khi có thể dùng thay thế cho cây cam thảo.
Có nghiên cứu cho rằng, rễ cam thảo dây có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, có khả năng chống viêm và chống dị ứng. Các tác dụng này được cho là do sự có mặt của các Abruquinon.