Contents
Cây thiên môn
Tên khoa học là: Radix Asparagi cochinchinensis.
Họ Thiên môn ( Asparagaceae ).
Đặc điểm thực vật:
Thiên môn thuộc loại cây dây leo, sống nhiều năm. Thân mang các cành 3 cạnh, có đầu nhọn trông như lá. Lá thiên môn rất nhỏ trông như vẩy. Hoa nở vào mùa hè, có màu trắng. Quả mọng, khi chín có màu đỏ.
Ở nước ta, cây thiêm môn mọc ở nhiều nơi như Thanh Hoá, Quảng Ninh, Cao Bằng,..Một số nước như Trung Quốc, Triều Tiên cũng có cây này.
Bộ phận dùng, thu hái và chế biến:
Rễ củ,thu hái vào mùa đông ở những cây trên 2 năm tuổi.
Rễ củ thu về đem cắt bỏ đầu, rễ con, sau đó đồ qua hơi nước.
Bóc bỏ vỏ khi còn nóng, phơi hoặc sấy cho khô.
Vị dược liệu: ngọt hơi đắng.
Thành phần hoá học:
Saponin nhóm Furostan, các acid amin tự do như Asparangin, Serin, Prolin, Glycin,…, cacbohydrat.
Công dụng:
Rễ củ thiên môn có tác dụng chữa ho, long đờm, lợi niệu, táo bón.
Thuốc còn có tác dụng hạ cholesterol máu, chống xơ vữa động mạch.
Cây tỳ giải
Tên khoa học là: Rhizoma Dioscoreae.
Họ Củ nâu ( Dioscoreaceae ).
Đặc điểm thực vật:
Cây tỳ giải hay còn gọi là xuyên tỳ giải, sơn tỳ giải, tất giả ; thuộc dạng cây dây leo bằng thân quấn. Rễ phình to thành củ.
Lá mọc so le nhau, gân lá hình chân vịt nổi rõ, lá hình tim. Cuống lá dài, hoa mọc đơn tính khác gốc, có màu xanh nhạt và tạo thành bông.
Cây mọc ở 1 số tỉnh của Trung Quốc giáp phía bắc Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông,…
Thành phần hoá học:
Sapogenin steroid.
Bộ phận dùng:
Thân rễ cây tỳ giải.
Công dụng:
Dùng nước sắc tỳ giải có tác dụng chữa viêm khớp, đau cơ, viêm tiền liệt tuyến, tan cục máu đông.
Tác dụng kháng khuẩn, chống viêm.
Trên chuột bình thường và trên dòng KK- Ay cho thấy, tỳ giải có tác dụng hạ đường máu nhưng trên mô hình thử Streptozocin lại không cho tác dụng này.
Trong y học dân tộc, tỳ giải được sử dụng để làm thuốc lợi niệu, chữa viêm niệu đạo, viêm bàng quang mạn tính, thấp khớp.
Dạng dùng : thuốc sắc.