–Thuốc thanh nhiệt tả hoả (giáng hoả) là thuốc có tác dụng hạ hoả (hạ thân nhiệt) khi cơ thể sốt cao, khát nước nhiều; nặng thì mê sảng phát cuồng, mạch hồng đại, lưỡi vàng khô
– Các thuốc này có tính hạ sốt, trong đơn thuốc nên phối hợp với thuốc thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt táo thấp để chữa nguyên nhân hoặc phối hợp thuốc an thần- bình can- tắt phong để chữa các trường hợp can phong nội động
– Người bệnh kèm hư chứng phải chú ý đến chính khí, dùng liều nhẹ cộng thêm thuốc bổ
– Căn cứ quy kinh (vị, phế, tâm,…) để dùng thuốc thích hợp
Một số vị thường dùng
3.1 THẠCH CAO (Bạch hổ)
Là thạch cao sống Calci sulfat ngậm nước CaSO4.2H2O để uống, còn thạch cao nung chỉ được dùng ngoài.
Khi chế biến chỉ hơ qua lửa để khử khuẩn và các tạp chất hữu cơ bên ngoài
TVQK: ngọt, cay, rất lạnh; phế, vị, tam tiêu
CN, CT: – Thanh nhiệt giáng hoả: Trừ nhiệt ở kinh Dương minh vị. Là thuốc chính để thanh nhiệt giáng hoả, dùng khi phần khí bị thực nhiệt: Sốt cao ra nhiều mồ hôi, lưỡi đỏ, miệng khát muốn uống nước lạnh, mạch hồng đại ấn tay vào càng mạnh hơn (bài Bạch hổ thang)
– Thanh phế nhiệt: dùng khi ho suyễn kèm theo sốt nóng, khát nước, mạch sác, rêu lưỡi vàng (bài Ma hạnh thạch cam thang)
– Giải độc chống viêm: Dùng khi khí huyết bị nhiệt thiêu đốt dẫn đến phát ban, dùng phối hợp các thuốc thanh nhiệt lương huyết như sinh địa, huyền sâm, mẫu đơn bì
– Thu liễm sinh cơ: Rắc trên bề mặt vết thương hoặc vết lở loét; kết hợp ngũ bội tử, phèn phi tất cả tán bột mịn
Liều dùng 12-40g, bệnh nặng dùng tới 100g
Cách dùng: Đập vụn thạch cao, sắc trước các vị thuốc khác
Kiêng kỵ: Người dương hư, mạch vi tế, tỳ vị yếu, suy tim.
Tác dụng dược lý: – Thạch cao có t/d ức chế trung khu điều hoà thân nhiệt mà gây t/d hạ nhiệt, đồng thời ức chế trung khu mồ hôi do đó vị thuốc vừa có t/d hạ nhiệt mà không làm ra mồ hôi, không làm hao tổn tân dịch.
– Thạch cao còn ức chế sự hưng phấn của thần kinh cơ xương nên có khả năng trấn kinh chống co giật
3.2 CHI TỬ
Là quả chín phơi khô bóc vỏ của cây dành dành Gardenia jasminoides, họ Cà phê Rubiaceae
TVQK: đắng, hàn; 5 kinh: tâm, phế, can, đởm, tam tiêu.
CN, CT: – Thanh nhiệt giáng hoả: Thanh tâm nhiệt trừ phiền, dùng khi tâm phiền bất an, mất ngủ do tâm hoả; hoặc sốt cao điên cuồng mê sảng, có thể phối hợp hoàng liên, hoàng cầm
– Thanh nhiệt táo thấp: Dùng trong viêm gan virus, viêm đường dẫn mật. Phối hợp với nhân trần, hoàng bá
– Lợi niệu thông lâm: chữa bàng quang thấp nhiệt, tiểu tiện ngắn đỏ, bí đái, đái ra máu,…phối hợp với mộc thông, hoạt thạch.
– Chỉ huyết: cầm máu khi huyết nhiệt dẫn đến thổ huyết, nục huyết , tiện huyết (đại tiểu tiện ra máu); phối hợp hoè hoa sao đen
Liều dùng: 4-12g, dùng để chỉ huyết thì sao đen
Kiêng kỵ: Người tỳ hư, đại tiện lỏng không dùng
Tác dụng dược lý:
– Trên TKTW: cao cồn quả dành dành trên chuột nhắt trắng tiêm xoang bụng liều 5,69g/kg có tác dụng gây trấn tĩnh, làm giảm hoạt động tự nhiên của chuột
Còn có tác dụng hạ thân nhiệt chuột trong nhiều giờ.