VẸO CỘT SỐNG
Cột sống là giá đỡ của cơ thể, tạo cho con người có dáng đứng thẳng, bảo vệ tủy sống và hầu hết các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Bệnh cong vẹo cột sống gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Trẻ bị bệnh cong vẹo cột sống thường rối loạn tư thế, dị dạng thân hình; tác động xấu đến tâm lý, chức năng và hoạt động của tim phổi, xương chậu bị biến dạng ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản sau này đối với trẻ em nữ.
Hiện nay, tỷ lệ học sinh bị cong vẹo cột sống ở Việt Nam vẫn còn cao. Theo nghiên cứu của Triệu Đình Thành, tỷ lệ học sinh bị cong vẹo cột sống của học sinh tiểu học là 19,49%, tỷ lệ học sinh trung học cơ sở bị cong vẹo cột sống gấp 1,8 lần học sinh tiểu học. Trong khi đó ở Anh, tỷ lệ học sinh bị cong vẹo cột sống là 5,9%; ở Singapore tỷ lệ này là 3,1%. Đây chính là một phép so sánh cho thấy Việt Nam cần có những biện pháp để phòng ngừa bị vẹo cột sống.
Nguyên nhân: Bệnh cong vẹo cột sống ở học sinh thường là do sai lệch tư thế khi đi đứng cũng như trong học tập: mang cặp sách quá nặng,thói quen ngồi học không ngay ngắn, không đúng tư thế, bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, lượng ánh sáng không phù hợp khiến học sinh phải cúi đầu khi đọc hoặc viết, cường độ lao động không phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, cong vẹo cột sống còn là di chứng của bệnh bại liệt, bệnh lý thần kinh cơ, lao cột sống, còi xương, suy dinh dưỡng, chấn thương cột sống…
Biểu hiện của bệnh cong vẹo cột sống là:
– Hai vai không cân đối, bên cao bên thấp
– Xương bả vai nhô ra,
– Hai thắt lưng mất cân đối
– Mào chậu bên thấp bên cao
– Người có xu hướng nghiêng sang một bên
Phòng ngừa bệnh cong vẹo cột sống
– Tăng cường rèn luyện thể dục thể thao
– Phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ. Chế độ ăn đầy đủ protein, chất khoáng và vitamin, bổ sung nguồn thực phẩm giàu vitamin D và canxi.
– Bàn ghế phải phù hợp với tầm vóc của trẻ, tư thế ngồi học phải đúng
– Nơi học tập phải đảm bảo chiếu sáng đầy đủ
– Không mang cặp sách quá nặng, khi đeo cặp phải đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía.
– Học sinh cần được khám cột sống định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh cong vẹo cột sống.
Bệnh cong vẹo cột sống ngày càng trở nên phổ biến làm mất đi vẻ đẹp hình thể và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Chính vì vậy việc phòng ngừa và phát hiện sớm có vai trò rất quan trọng. Khi thấy con có những biểu hiện của bệnh cong vẹo cột sống cha mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.
copy ghi nguồn : thuocbietduoc.edu.vn