Cúc gai
Tên khoa học là: Fructus Silybi mariani.
Thuộc họ cúc – Asteraceae.
Contents
Đặc điểm thực vật:
Cúc gai thuộc loại cây thân thảo, sống hàng năm hoặc 2 năm trở lên. Thân cây mập, cao đến 1,5m.
Lá cúc gai to, mọc cách nhau và có màu xanh đậm, bóng, có các vệt trắng dọc theo gân lá. Phiến lá xẻ thuỳ nhọn ở gốc, ở ngọn hình trứng ngược. Mép lá có gai sắc nhọn.
Cả thân và lá có nhựa mủ trắng.
Cụm hoa đầu, mọc đơn độc ở ngọn. Lá bắc có màu xanh, mép có gai nhỏ ở mỗi bên, đầu thuôn nhọn, kết thúc bằng 1 gai lớn nhọn. Hoa hình ống và có màu tím đỏ.
Quả bế, màu đen, có viền vàng. Hạt màu đen, nâu bóng, ở đầu mỗi hạt có 1 mào lông trắng.
Phân bố:
Cây có nguồn gốc ở các nước Bắc Phi, Nam Âu, Trung Á và di thực vào các nước Trung Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Australia, Trung Quốc.
Ở Việt Nam, cây đã được di thực thành công, được trồng ở SaPa, Tam Đảo, Đà Lạt.
Chế biến:
Các cụm hoa được hái về đem phơi khô, đập lấy quả khi cần.
Bộ phận dùng:
Hạt cúc gai phơi khô không còn mào lông.
Thành phần hoá học:
Trong hạt cúc gai có: Các flavonoid, các phenol, dầu béo, phytosterol, acid amin và protein. Hoạt chất chính là flavonlignan; được gọi chung là silymarin.
Tác dụng dược lý, công dụng:
Trên thực nghiệm cho thấy, silymarin thúc đẩy sự phát triển của tế bào gan, ngăn cản chất độc thấm qua tế bào, làm tăng khối lượng gan. Tác dụng bảo vệ các tác nhân gây độc cho gan như paracetamol, amitriptylin, cacbon tetrachlorid, rượu,….Silymarin là chất cảm ứng enzym cyt P450.
Khả năng chống oxy hoá, chống lại các các gốc tự do nguy hiểm như gốc tự do oxy, hydroxyl, phenoxy, ngăn cản sự oxy hoá acid béo của màng tế bào là nhờ vai trò của Silymarin và Silybinin.
Từ lâu, người ta đã biết dùng cúc gai làm thuốc bảo vệ gan, phòng và điều trị các bệnh về gan như điều trị viêm gan cấp tính, mãn tính, xơ gan, gan nhiễm mỡ. Phục hồi chức năng gan trong các trường hợp ngộ độc thực phẩm, nghiện rượu, sử dụng các thuốc chữa lao, ung thư.
Ngoài ra, cúc gai còn để chữa các bệnh về nấm, bệnh ngoài da bị ửng đỏ.
copy ghi nguồn: thuocbietduoc.edu.vn