Hoa hoè
Tên khoa học là: Flos Stypholobii japonici.
Thuộc họ đậu – Fabaceae.
Contents
Đặc điểm thực vật:
Cây hoè thuộc loại cây gỗ, to cao, có thể cao đến 15 m, thân cây thẳng, cành cong queo. Lá kép lông chim lẻ, lá chét hình trứng, đỉnh nhọn nguyên dài. Cụm hoa hình chuỳ, tràng hoa hình bướm màu trắng ngà.
Quả loại đậu không mở, dày và thắt lại ở những chỗ có hạt.
Phân bố:
Cây hoè được trồng ở 1 số tỉnh miền núi phía bắc và có nhiều nhất ở Thái Bình. Nước ta đã xuất khẩu hoa hoè và rutin.
Có thể trồng hoè bằng hạt hoặc giâm cành. Chọn hạt giống của những cây nhiều cành, nhiều hoa mà người dân hay gọi là hoè nếp. Ngược lại, hoè tẻ ít cành, hoa thưa và nở không đều.
Thu hái:
Hoa được hái vào buổi sáng, khi trời khô ráo. Bẻ các chùm bắt đầu có hoa mới nở, tuốt lấy hoa rồi đem phơi nắng.
Nụ hoa được gọi là hoè mễ.
Hoa hoè đã nở cũng được dùng nhưng phân loại riêng.
Bộ phận dùng:
Nụ hoa ( hoè mễ ), hoa đã nở ( hoè hoa ), quả hoè ( hoè giác ).
Thành phần hoá học:
Nụ hoa có:
– Các Flavonoid vá các triterpenoid tự do. Flavonoid chính trong nụ hoa là rutin, hàm lượng có thể đạt 28 % hoặc cao hơn.
– Ngoài ra còn có 1 số flavonoid khác như kaempferol, genistein, quercetin và dẫn xuất của kaempferol.
– Các triterpenoid trong nụ hoa là Betulin, Sophoradiol.
Lá hoè, quả hoè cũng chứa flavonoid nhưng hàm lượng thấp hơn so với nụ hoa hoè.
Tác dụng, công dụng:
– Rutin trong hoè hoa có hoạt tính vitamin P nên có tác dụng làm bền thành mạch, giảm tính thấm mao mạch, tăng sức bền của hồng cầu; làm giảm trương lực cơ trơn và tác dụng chống co thắt.
– Rutin được sử dụng để đề phòng các tai biến xơ vữa động mạch, các trường hợp suy yếu tĩnh mạch.
– Tác dụng chữa ho ra máu, chảy máu cam, xuất huyết tử cung, đi ngoài ra máu.
– Không được dùng rutin trong trường hợp nghẽn mạch và máu có độ đông cao.
– Rutin được dùng phối hợp với hợp với các chất khác như vitamin C, cholin, các alcaloid của cây dừa cạn, papaverin,…
Hiện nay, các dẫn xuất của rutin tan trong nước cũng được sản xuất nhiều.