Tương tác thuốc – thuốc trong quá trình phân bố, chuyển hoá, thải trừ thuốc

0
1699
tương tác thuốc - thuốc
Rate this post

Tương tác thuốc – thuốc trong phân bố, chuyển hoá, thải trừ.

Do thay đổi phân bố của thuốc trong cơ thể:

tương tác thuốc – thuốc

Tương tác do cạnh tranh vị trí liên kết với protein huyết tương

+ Trong máu, thuốc tồn tại ở 2 dạng là dạng tự do và dạng liên kết với protein huyết tương. Chỉ thuốc ở dạng tự do mới cho tác dụng, thuốc liên kết với protein huyết tương đóng vai trò làm thuốc dễ hấp thu, dự trữ , vận chuyển thuốc trong cơ thể. Giữa thuốc tự do và thuốc liên kết với protein huyết tương luôn tồn tại 1 cân bằng động : thuốc + protein _ thuốc – protein. Khi thuốc dạng tự do giảm thì protein sẽ nhả thuốc ra từ từ và cho tác dụng.
+ Trong phối hợp thuốc điều trị, cần chú ý 2 thuốc cùng gắn vào 1 protein huyết tương, chúng sẽ đẩy nhau ra để cạnh tranh vị trí gắn. Thuốc nào có ái lực với protein huyết tương mạnh hơn sẽ đẩy thuốc kia ra khỏi vị trí gắn. Kết quả là, thuốc bị đẩy sẽ có nồng độ cao trong máu làm tăng tác dụng và tăng độc tính.
Kiểu tương tác này có ý nghĩa nhiều với các thuốc liên kết mạnh với protein huyết tương, đặc biệt là các thuốc có phạm vi an toàn hẹp.
+ Ví dụ:
Khi dùng đồng thời thuốc trị nấm Miconazol và thuốc điều trị tăng đái tháo đường đường uống như Tolbutamid, Miconazol sẽ đẩy Tolbutamid ra ở dạng tự do làm tăng nồng độ thuốc này trong máu gây nên cơn hạ đường huyết quá mức.

Tương tác thuốc do thay đổi tỉ lệ nước của dịch ngoại bào

+ Những thuốc tan nhiều trong nước như digoxin, morphin, kháng sinh nhóm aminosid,… rất nhạy cảm với việc mất dịch ngoại bào. Khi đó thể tích phân bố của các thuốc này giảm nên tăng nồng độ thuốc trong máu và mô, dẫn đến tăng tác dụng và tăng độc tính.
Sự mất dịch ngoại bào do dùng thuốc như sử dụng Furosemid là thuốc lợi niệu mạnh.

Do thay đổi chuyển hoá thuốc ở gan

+ Hiện tượng cảm ứng enzym chuyển hoá thuốc:
Cảm ứng enzym là hiện tượng tăng cường hoạt tính enzym chuyển hoá thuốc dưới ảnh hưởng bởi 1 chất khác gây giảm nồng độ của thuốc trong huyết tương.
Ví dụ: sử dụng đồng thời thuốc thuốc tránh thai đường uống với Rifampicin, sẽ làm giảm hiệu quả tránh thai của thuốc. Vì Rifampicin là chất cảm ứng enzym chuyển hoá thuốc tránh thai ở gan, làm tăng chuyển hoá thuốc nên nồng độ thuốc còn hoạt tính trong máu không đủ để cho tác dụng tránh thai.

+ Hiện tượng ức chế enzym chuyển hoá thuốc:
Dưới tác động của 1 chất nào đó gây ức chế enzym chuyển hoá làm cho thuốc không chuyển hoá được dẫn đến tăng nồng độ thuốc trong máu, làm tăng tác dụng và tăng độc tính. Kiểu tương tác này sẽ gây nguy hiểm với các thuốc có phạm vi an toàn hẹp.
Ví dụ: Cimetidin là chất ức chế ức chế enzym cảm ứng, nó sẽ làm tăng nồng độ của 1 số thuốc khi dùng cùng nó mà có chuyển hoá qua gan.

Do thay đổi thải trừ thuốc qua thận

– Sự thay đổi của pH nước tiểu :
Các thuốc kháng acid, thuốc làm giảm tiết acid dịch vị dạ dày gây kiềm hoá nước tiểu. Ví dụ như Maalox, Omeprazol.
Kết quả: + Tăng thải trừ các thuốc có bản chất là acid yếu như aspirin, các barbiturat nên sẽ làm giảm tác dụng của các thuốc này.
+ Giảm thải trừ các thuốc có tính base yếu như amphetamin, quinin,…làm tích luỹ thuốc và có nguy cơ gây độc.
– Cạnh tranh chất mang:
Ví dụ: khi sử dụng Penecillin G cùng với Probenecid, do cùng gắn vào 1 chất mang nên giữa 2 thuốc có sự cạnh tranh để gắn thuốc và đào thải ra ngoài. Kết quả là probenecid gắn nhiều hơn và được đào thải ra bên ngoài,Penecillin chậm thải trừ hơn cho tác dụng kéo dài.