Cây dâu tằm
Đặc điểm thực vật:
Cây dâu là loại cây nhỏ, cao 2 – 3 m, được trồng thành ruộng để lấy lá. Nếu cây phát triển lâu năm có thể cao 7 – 8 m.
Lá dâu hình trứng, có chia thuỳ, có lá kèm và mọc so le nhau. Mép lá có răng cưa. Hoa đơn tính cùng gốc, mọc thành bông. Quả phức, mọng nước. Lúc chín có màu đỏ rồi chuyển sang màu tím sẫm.
Bộ phận dùng và chế biến:
Vỏ rễ hay còn gọi là tang bạch bì: rễ đào về, đem rửa sạch, bóc lấy vỏ rồi phơi khô. Nếu dùng thì cạo sạch lớp bần bên ngoài, thái nhỏ, tẩm mật rồi mang đi sao đến khi sờ không dính tay thì dừng lại.
Lá dâu hay tang diệp: hái lá bánh tẻ rồi đem phơi khô.
Quả dâu hay tang thầm: hái quả chín đỏ, đem đồ chín , sau đó sấy khô.
Cành dâu hay tang chi: cành non, thái mỏng rồi đem phơi khô.
Ngoài ra, người ta còn lấy tổ của con sâu kí sinh trên cây và gọi là “tang phiêu tiêu”. Tầm gửi mọc trên cây gọi là “tang kí sinh”.
Thành phần hoá học:
Trong vỏ rễ, cành và lá có các flavonoid.
Trong quả có Anthocyanin, là sắc tố làm cho quả có màu đỏ tím lúc chín; các vitamin B1,B2,C và đường.
Công dụng, tác dụng:
– Vỏ rễ:
Tác dụng hạ huyết áp của dịch chiết nước vỏ rễ trên thỏ.
Tác dụng hạ đường máu trên chuột ở chuột gây tiêu đường bằng Streptozicin.
Tác dụng an thần, làm trắng da.
Trong y học dân tộc, rễ dâu được dùng để chữa ho, hen suyễn, khó thở, chữa bí tiểu. Dùng dưới dạng thuốc sắc.
– Cành:
Các hoạt chất trong cành dâu được dùng trong các mĩ phẩm làm trắng da do ức chế enzym tyrosinase.
Y học dân tộc, dùng làm thuốc chữa viêm khớp, tê bại tay chân.
– Lá:
Dịch chiết lá cũng có tác dụng hạ đường máu giống như vỏ rễ.
Tác dụng chống oxy hoá và giảm các tổn thương do xơ cứng mạch.
Tác dụng làm trắng da do ức chế enzym tyrosinase.
Y học dân tộc, dùng lá dâu để chữa đau đầu,chóng mặt, mắt mờ, các bệnh thuộc đường hô hấp trên.
– Quả dâu:
Tác dụng chống viêm, bảo vệ gan, tăng cường thị lực, chống oxy hoá mạnh.
Y học dân tộc, dùng quả dâu làm thuốc bổ, chữa mắt mờ, khó ngủ, bí tiểu,…
copy ghi nguồn: thuocbietduoc.edu.vn